Header Ads Widget

Ticker

6/recent/ticker-posts

Chúng ta đâu muốn biến các em thành robot!

“Tôi ước gì nhà trường đừng dạy vẽ”, một phụ huynh đã thốt lên như vậy để nói về nỗi bức xúc sau bao nhiêu kỳ vọng về chuyện dạy kỹ năng mềm cho các em ở trường. Cái kiểu giáo dục “đúc khuôn” không biết từ bao giờ đã nhảy sang cả ở lĩnh vực nghệ thuật, nơi mà lẽ ra các em được tự do sáng tạo, thỏa sức bộc lộ những suy nghĩ dù là điên rồ nhất của mình.

minhhoa

Là một bà mẹ, tôi luôn mong ước con tôi được sáng tạo, được bay bổng với những ước mơ đẹp đẽ nhất của con trẻ. Nhưng điều đó lại mâu thuẫn với cách giáo dục kiểu “đúc khuôn” hiện nay.

Văn, toán vào khuôn

Có lẽ toán là một trong những môn học mà những phụ huynh “sợ khuôn” như tôi ít có cơ hội “ý kiến ý cò” nhất.

Khi thấy con viết lời giải cho những bài toán đố, tôi thực sự ngạc nhiên, bởi con bé luôn theo một khuôn mẫu định sẵn, dẫu câu văn viết ra nhiều khi trông không giống tiếng Việt cho lắm: “Số học sinh lớp có là:”, “Số kg Lan nặng là:”, “Số km Lan đã đi là:”.

Tôi thắc mắc sao con không viết: “Sĩ số lớp học:”, “Trọng lượng/cân nặng của Lan:”, “Quãng đường Lan đã đi:” hay bất kỳ lời giải nào khác miễn hợp lý thì con bé ngước mắt nhìn mẹ đầy ngạc nhiên: “Hồi xưa mẹ có được đi học không?”.

Thì ra ở trường, cô giáo yêu cầu học sinh phải theo một công thức duy nhất, đại khái là gạch chữ “bao nhiêu” trong câu hỏi, thay bằng chữ “số”, gạch chữ “hỏi”, viết lại câu theo thứ tự cô yêu cầu...

Vì thế với câu hỏi: “Hỏi lớp có bao nhiêu học sinh?”, các em cứ việc trả lời như cái máy: “Số học sinh lớp có là:”. Một cái khuôn an toàn cho hầu hết các bài toán đố trong sách giáo khoa, chỉ là nếu ai đó thay đổi cách hỏi một chút, học trò đồng loạt cắn bút.

Đem thắc mắc hỏi cô giáo, cô khó chịu: “Chị từng bao giờ đi dạy chưa? Cứ thử dạy một lớp 50 học sinh là biết”. Cô đã chọn sẵn một cái khuôn, muốn học trò làm như cái máy, hiểu bài hay không hiểu bài đều làm được và cô không chấp nhận bất kỳ một sự “lệch lạc” nào.

Hậu quả thấy rõ: học sinh dần dà hình thành thói quen không tìm tòi, cố gắng giải toán theo cách hiểu của mình, chỉ luôn lo lắng không biết mình đã lọt đúng khuôn chưa, bài mẫu giải ra sao để răm rắp ráp vào.

Nói tóm lại, các em không cần tư duy, chỉ cần theo khuôn và ra kết quả đúng để đủ điểm 10 là hoàn hảo. Buồn thay, cô giáo của con tôi không phải là cá biệt!

Đôi khi, tôi thực sự muốn hiểu cảm giác của giáo viên khi chấm 50 bài văn đều tả cô giáo “có gương mặt trái xoan, mái tóc dài óng mượt, làn da mịn màng”.

Tôi rất muốn biết giáo viên thực sự nghĩ gì khi với đề văn tả cảnh đẹp ở địa phương em, cả lớp đều “ấn tượng nhất với con sông Sài Gòn”, mặc kệ thực tế là nhiều em chưa bao giờ nhìn thấy nó. Vậy mà tôi đã nghĩ nếu là tôi, tôi sẽ xấu hổ tột cùng.

Có năm học, cô giáo còn cứng nhắc đến độ khi con tôi hó hé “vượt khuôn”, cô đọc câu văn bay bổng của nó cho cả lớp nghe với lời bình luận: “Đã không biết mà còn làm ra vẻ”. Cả lớp cười ồ. Cô tự ái vì con bé đã thay đổi bài văn mẫu của cô.

Còn đối với con bé, đó là bài học nhớ đời cho nó. Mẹ con bé thì ngay lập tức bị tước quyền khuyến khích con làm văn theo cảm nhận của riêng bản thân. Buồn thay, “đúc khuôn” văn chương không phải là cá biệt ở trường học!

Ước mơ cũng phải vào khuôn

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm buồn hồi đầu năm học lớp 3 của con bé, khi tôi bị cô giáo gọi vào lớp sau giờ học. Cô đưa cho tôi quyển sổ liên lạc mà con bé vừa điền thông tin, bảo tôi tự đọc rồi bức xúc:

“Chị xem, tôi đã nhắc đi nhắc lại trước lớp là phần “mong muốn của em trong năm học”, phải điền là: Em mong ước học giỏi để ba mẹ vui lòng, mà con chị điền như thế này đây”.

Tôi đọc lại lần nữa dòng chữ con bé: “Em mong muốn năm nay sẽ không làm mất dụng cụ học tập nữa”. Tôi đã không thể giấu được vẻ mặt ngạc nhiên, phải nói là thảng thốt nhưng kịp kìm lại những lời hẳn nói ra sẽ bất lợi cho con bé...

Tôi thực sự muốn hiểu cảm giác của cô khi đọc 49 ước mơ y chang như nhau của học trò. Nhìn thấy vẻ mặt thảng thốt của tôi, có lẽ cô hiểu theo cách của cô. Ngay ngày hôm sau, cô ân cần phát cho con bé quyển sổ liên lạc mới, bảo nó điền lại “cho đẹp”.

Vậy là tròn trĩnh 50 ước mơ đã được photocopy từ tư tưởng “đúc khuôn” của cô mà chạy vào sổ liên lạc, trói hết vô số ý tưởng rất đa dạng của con trẻ. Sao cô không photocopy sẵn luôn những ước mơ đó, dán vào sổ liên lạc để tránh những sự cố làm cô nổi giận như con tôi nhỉ?

Khóc cho nghệ thuật “đúc khuôn”

Học văn hóa là thế, nên tôi đã từng mơ mộng con được tự do hơn ở các môn nghệ thuật. Thời đại cả người lớn và trẻ con đều siêu bận rộn như hiện nay, nhà trường tổ chức giờ học hội họa, âm nhạc, các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thì còn gì bằng.

Nhưng cũng với tư duy “đúc khuôn” của các nhà giáo dục thời hiện đại, con tôi đứa thì có hôm mếu máo bắt đền mẹ: “Sao mẹ bảo muốn vẽ mây màu gì cũng được, con vẽ màu hồng, cô la con, nói mây phải màu trắng”.

Hôm khác, đứa khác xin mẹ đi học thêm... môn vẽ “vì con không biết vẽ con gà, cô vẽ lên bảng bảo cả lớp vẽ theo mẫu, con vẽ sai cứ bị cô la hoài”. Chao ôi, vậy mà tôi cứ tưởng đã nghệ thuật thì không có đúng sai!

Xem các bức tranh chọn lọc được các thầy cô tuyển lựa triển lãm nhân ngày 20-11, tôi buồn muốn khóc. Tất cả đều là những bức tranh chỉn chu, tròn trịa và chỉ có một chủ đề, bố cục. Ước gì trường đừng dạy môn vẽ để đừng tước đi óc sáng tạo, sự tưởng tượng không biên giới - thứ vốn chỉ phát huy mạnh mẽ nhất khi con tôi còn là trẻ con.

Cuối năm lớp 2, con bé út vô cùng lý lắc của tôi bỗng cao hứng xung phong tham gia đội văn nghệ của lớp biểu diễn trong lễ tổng kết năm học.

Tốt quá, còn gì vui bằng hát múa! Nhưng vừa rời sân khấu, nó tiu nghỉu thì thầm: “Mẹ, cái micro của con bị hỏng, lúc nãy không ai nghe được giọng con đâu”.

Một cảm giác xấu hổ tràn ngập làm tôi không biết phải giải thích với con thế nào: sự thật là toàn bộ 20 cái headphone gắn mic được cài cho tụi nhỏ đều không hoạt động, tiếng hát mà cả trường nghe được là của một nhóm hát chuyên nghiệp nào đó.

Giải thích ra sao với con trẻ về sự dối trá này? May quá, con bé tự kết luận: “Sẽ không bao giờ tham gia văn nghệ nữa”.

Mà cũng thật may, lớp của con bé không có bạn nào tham gia văn nghệ cấp trường để nó khỏi nghe những chuyện mà mẹ nó nghe các phụ huynh kháo nhau. Ra là cô công chúa lộng lẫy trong tiết mục văn nghệ trường vừa xem có giá 10 triệu, hoàng tử rẻ phân nửa: 5 triệu.

Giữa thời đại mọi hoạt động bề mặt đều phải hoành tráng, lộng lẫy, phản ánh đúng tầm cỡ của trường điểm, mọi tiết mục biểu diễn đều được thuê người dàn dựng chuyên nghiệp và tất nhiên, chi phí cũng phải ở mức chuyên nghiệp.

Phụ huynh các bé biểu diễn văn nghệ cứ thế chia nhau. Ai thích con mình sắm vai nào thì “tự nguyện đóng góp” số tiền tương xứng, thế nên công chúa mới có giá 10 triệu. Còn bọn trẻ con chỉ việc răm rắp làm theo như cái máy, chả có tí chỗ trống nào cho sáng tạo, cho bàn luận, mọi tiết mục đều phải hoàn hảo theo cách nhìn của những người lớn chuộng thành tích.

Trẻ con cũng không cần phải cố gắng thể hiện khả năng nghệ thuật để tranh vai ưa thích như thời cha mẹ chúng xa xưa vì mọi vai đều được sắp xếp sẵn. Cơ hội tưởng chừng tuyệt vời để làm việc nhóm, thương thảo, sáng tạo, học hỏi từ bạn bè... cũng được giảm tới mức tối thiểu...

Trung thu, trường tổ chức thi bày mâm cỗ trái cây - một ý tưởng quá tuyệt để các em vui chơi và hiểu thêm về lễ hội truyền thống dành riêng cho chúng. Nhưng cuộc thi thực sự là cuộc đọ “đẳng cấp” giữa các lớp dưới bàn tay phụ huynh và cô giáo.

Chao ôi, những mâm trái cây thật hoành tráng xếp tròn vo ngay hàng thẳng lối, dán keo xếp tầng tầng lớp lớp cực kỳ chuyên nghiệp đảm bảo chỉ mấy tiệm trái cây lớn cỡ ở chợ Bến Thành mới xếp được.

Có lớp thì dùng nghệ thuật để đè số lượng: mâm cỗ ít trái cây hơn nhưng toàn được tỉa rồng tỉa phượng đường nét sắc sảo, đảm bảo không có nghề thì chẳng thể “hó hé”. Chỉ muốn khóc khi đi tìm câu trả lời: Các em tham gia gì trong mâm cỗ trung thu?

Khổ luyện thể thao

Ai cũng biết tầm quan trọng của thể thao trong sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ. Lại một lần nữa, phụ huynh gửi gắm mong mỏi đó vào trường học, nơi đứa trẻ học bán trú ở gần 10 giờ/ngày.

Con tôi học ở một ngôi trường chật ních ngay giữa trung tâm thành phố chật nhất nước. Trẻ con mà bị cấm chạy nhảy chẳng khác nào trói tay, trói chân chúng lại.

Nhưng giờ ra chơi, các bé thường bị những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết giữ lại làm bài tập cho kịp chương trình, nếu không cũng bị yêu cầu ngồi yên ở bàn, hạn chế ra khỏi lớp. Khỏi phải nói cũng biết cô bảo mẫu phải gồng mình ra sao để quản một đám con nít không được chạy nhảy trong giờ ra chơi.

Thế nên phụ huynh mừng như con trẻ được chạy nhảy khi trường quyết định đưa trẻ ra trung tâm thể dục thể thao tập luyện.

Phụ huynh hồ hởi đăng ký, đóng tiền để rồi được nhà trường xếp lịch chơi bóng đá, cầu lông, bóng rổ... cho con vào lúc 13h30.

Thôi thì đành chọn cho con môn bóng bàn, vốn học trong nhà đỡ nóng bức nhất để rồi hết một năm học, con bé cũng chưa cầm được cái vợt phát quả bóng nên thân. Hỏi ra mới biết vì đông học sinh quá, mỗi buổi học, mỗi em chỉ cầm vợt đánh bóng được 2 hoặc cùng lắm là 3 lần.

Đến đây, tôi chỉ ước trường đừng tổ chức các buổi tập luyện thể thao nữa, để con được ngủ trưa thêm một chút.

Nhưng chẳng có đường rút, bởi dẫu được thông báo là tự nguyện nhưng nếu con không đi “khổ luyện thể thao”, cô giáo chủ nhiệm phải thêm việc coi bé tại trường. Đành bấm bụng hằng tháng đóng tiền để lãnh cái khổ cho con!■

KHÁNH ĐOAN
Theo tuoitre.vn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét